SỬ DỤNG KHÁNG SINH BỪA BÃI VÀ HẬU QUẢ

03/11/2020 09:37

Kháng thuốc kháng sinh đang được coi là một cuộc khủng hoảng toàn cầu, trong đó thế giới đang phải đối mặt với kỷ nguyên hậu kháng sinh – khi mà những bệnh rất bình thường cũng có thể gây tử vong cho con người. Đây là hệ quả tất yếu của việc sử dụng thuốc kháng sinh bừa bãi, kê đơn thuốc chưa thực sự hợp lý, do việc sử dụng thuốc kháng sinh trong chăn nuôi gia súc, gia cầm, thủy sản chưa được kiểm soát đầy đủ.

1. Lạm dụng kháng sinh trong chăn nuôi

1.1. Thực trạng lạm dụng kháng sinh trong chăn nuôi

Để kích thích vật nuôi tăng trưởng nhanh, giảm thấp tiêu hao thức ăn, vật nuôi có bề ngoài bắt mắt, tăng lợi nhuận, nhiều trang trại sử dụng lượng lớn thuốc kháng sinh trộn thẳng vào thức ăn mà không cần quan tâm tới sức khỏe người tiêu dùng. Salbutamol, Clenbuterol, Ractopamin có thể giúp vật nuôi mau lớn, chuyển hóa làm tiêu mỡ, tăng khối lượng cơ, làm màu thịt đỏ tươi hơn nhưng gây ra tác hại khó lường với sức khỏe con người.

Ngoài những chất tạo nạc trên, người nuôi còn sử dụng một số các loại kháng sinh tăng trọng có thể gây ung thư, đã bị cấm như Epstadiol, hay những kháng sinh có khả năng giảm mật độ tinh trùng, tăng hiện tượng đồng tính luyến ái, gây ung thư hoặc các bệnh nghiêm trọng khác trong gan, thần kinh, hệ tiêu hóa, tim và có khả năng gây đột biến như Dexametazon, Tetaciline.

Hiện nay, người nuôi thường sử dụng kháng sinh bổ sung vào thức ăn, nước uống để phòng ngừa bệnh thường gặp như đường ruột, hô hấp. Thậm chí là sử dụng những kháng sinh cấm, kháng sinh hạn chế sử dụng trong chăn nuôi theo quy định của Bộ NN&PTNT, điển hình như: Oxytetracyline, Enrofloxacine, Sunphadiazine,… Với mục đích phòng bệnh thường sử dụng với liều lượng thấp, không đủ để tiêu diệt vi khuẩn nên rất dễ tạo ra các dòng kháng lại kháng sinh. Điều này khá nguy hại vì nếu vật nuôi bị bệnh, khi bị kháng thuốc, những bệnh này sẽ không khỏi mà có nguy cơ trầm trọng hơn.

1.2. Tác hại của việc lạm dụng kháng sinh trong chăn nuôi

Vi khuẩn kháng thuốc

Hậu quả của việc lạm dụng kháng sinh trong chăn nuôi có thể phá vỡ cân bằng tự nhiên của hệ vi sinh vật đường ruột gây rối loạn quá trình tiêu hóa. Mối nguy chính của lạm dụng kháng sinh trong chăn nuôi chính là sự đề kháng kháng sinh của vi khuẩn. Bất cứ kháng sinh nào dùng để chữa bệnh cho người và động vật, nếu còn tồn dư một lượng dù nhỏ nhất cũng có thể gây kháng thuốc của E.Coli. Khi E.Coli đã kháng thuốc thì nó có thể truyền plasmid kháng thuốc của nó cho các loại vi khuẩn gây bệnh khác sống trong đường ruột.

Gây ảnh hưởng trực tiếp tới sức khỏe của con người

Việc lạm dụng kháng sinh trong phòng và trị bệnh sẽ gây tồn dư với lượng quá mức cho phép và ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng. Điển hình có Cloramphenicol là loại kháng sinh cấm sử dụng trên thế giới do gây thiếu máu suy tủy, ở những cá thể đặc ứng do di truyền có thể dẫn đến tử vong.

Sự tồn dư kháng sinh có trong thực phẩm không chỉ ảnh hưởng trước tiên đến vật nuôi mà còn gây nguy hại cho sức khỏe người tiêu dùng khi tiêu thụ thực phẩm. Nó gây ảnh hưởng ngay lập tức sau khi tiêu thụ sản phẩm như xảy ra phản ứng quá mẫn cảm đối với người nhạy cảm kháng sinh, gây dị ứng sau khi tiêu thụ thịt tồn dư kháng sinh… Bên cạnh đó, nó ảnh hưởng muộn hơn khi tiêu thụ thịt tồn dư kháng sinh như tạo ra thể vi sinh vật kháng thuốc, gây khó khăn cho công tác điều trị nhiễm khuẩn, làm giảm sự đáp ứng miễn dịch của cơ thể. Đặc biệt, một số kháng sinh, hóa dược có thể gây ung thư cho người tiêu thụ.

2. Lạm dụng kháng sinh trong điều trị

2.1. Dùng kháng sinh cho các bệnh không do vi khuẩn

Bởi hiện nay nhiều tiệm thuốc dễ dàng bán thuốc kháng sinh cho người bệnh mà không cần toa thuốc của bác sĩ. Điều này khiến cho thuốc không những không trị được bệnh, mà còn làm cơ thể sản sinh ra các vi khuẩn kháng thuốc gây nguy hiểm cho người bệnh. Có 5 nhóm bệnh chính gồm bệnh lý nhiễm trùng, bệnh lý chuyển hóa, bệnh lý ngộ độc, bẩm sinh và bệnh lý miễn dịch. Trong 5 bệnh lý trên chỉ có một phần trong bệnh lý nhiễm trùng là có chỉ định sử dụng thuốc kháng sinh. Đa phần các bệnh lý nhiễm trùng do vi khuẩn thì mới nên sử dụng kháng sinh.

Hầu hết các trường hợp sốt virus, viêm họng, viêm thanh quản, viêm phế quản, tiêu chảy… thì không nên dùng kháng sinh trong điều trị. Tuy nhiên, nhiều người thường lạm dụng thuốc kháng sinh để trị bất cứ bệnh gì với mong muốn nhanh chóng khỏi bệnh. Điều này gây ra mối nguy hiểm khôn lường bởi thuốc kháng sinh ngoài tiêu diệt vi khuẩn gây bệnh thì còn tiêu diệt cả những vi khuẩn có lợi. Chính vì vậy, sử dụng kháng sinh bừa bãi thì cơ thể sẽ dễ bị các bệnh nhiễm khuẩn hơn.

2.2. Việc mua và sử dụng kháng sinh quá dễ dàng

Từ phía bệnh nhân

Việc mua và sử dụng kháng sinh quá dễ dàng nên chỉ cần xuất hiện vài biểu hiện bất thường về sức khỏe như sốt, ho, sổ mũi là mọi người tự ý đến hiệu thuốc để mua kháng sinh, hay các bậc cha mẹ tự ý mua kháng sinh cho con mình sử dụng mà không cần biết con mình có nhiễm khuẩn hay không, trẻ em thì có phải uống liều như người lớn không và uống trong thời gian bao lâu là hợp lý.

Từ phía nhân viên y tế

Bên cạnh đó, các hiệu thuốc dễ dàng tự ý bán thuốc kháng sinh cho bệnh nhân mà không quan tâm bệnh nhân có toa của bác sĩ hay không, hay thậm chí bệnh nhân chỉ cần mang toa thuốc cũ, toa thuốc của người quen, hoặc chỉ cần bảo muốn mua thuốc kháng sinh là được.

Không phải lúc nào vi khuẩn cũng gây hại cho cơ thể, có những loại vi khuẩn gây bệnh cũng có những loại vi khuẩn thường trú có lợi. Khi sử dụng kháng sinh bừa bãi, vi khuẩn có lợi cũng bị tiêu diệt, ví dụ như các vi khuẩn thường trú trong đường tiêu hóa, khi đó sẽ gây ra các triệu chứng rối loạn tiêu hóa như tiêu chảy, đau bụng, buồn nôn, v.v…

Đối với các bệnh nhân hen suyễn dị ứng, kháng sinh cũng là một tác nhân kích thích. Nếu sử dụng kháng sinh quá bừa bãi có thể làm bệnh nhân, đặc biệt là trẻ nhỏ lên cơn hen cấp tính. Nhiều trường hợp trẻ em bị hen cấp tính vì bố mẹ lạm dụng thuốc kháng sinh cho con quá nhiều. Kháng sinh sau khi uống vào cơ thể sẽ được chuyển hóa qua gan hoặc qua thận, nếu sử dụng quá mức có thể gây ảnh hưởng xấu đến các cơ quan này, thậm chí dẫn đến suy gan, suy thận.

2.3. Trong thực tế hàng ngày, việc sử dụng kháng sinh của thầy thuốc cũng rất rộng rãi

Trong thực tế hàng ngày, việc sử dụng kháng sinh của thầy thuốc cũng rất rộng rãi, nhiều khi tuy biết rằng không có chỉ định nhưng bác sĩ vẫn viết đơn thuốc có kháng sinh vì chẩn đoán không rõ ràng, vì thiếu phương tiện chẩn đoán vi sinh học nên dùng kháng sinh, nhất là loại có kháng sinh phổ rộng để điều trị bao vây, hoặc ghi đơn theo đòi hỏi của bệnh nhân (vì sợ mất thân chủ).

3. Hậu quả của việc sử dụng kháng sinh bừa bãi

Việc lạm dụng thuốc kháng sinh gây nhiều hậu quả, trong đó có thể tóm tắt bằng 5 hậu quả sau:

3.1. Gây lãng phí

Nhiều bệnh nhiễm trùng do vi rút thì không cần điều trị bằng kháng sinh, nếu dùng kháng sinh không có tác dụng sẽ là gây lãng phí. Nhiều thầy thuốc vẫn giải thích rằng dùng kháng sinh trong trường hợp này là nhằm đề phòng bội nhiễm vi khuẩn, nhưng cách giải thích đó vẫn là một kiểu nguỵ biện.

3.2. Không khỏi bệnh

Sử dụng kháng sinh không đúng chỉ định gây lãng phí đồng thời còn không chữa khỏi bệnh cho bệnh nhân, thí dụ bệnh nhân bị lao phổi mà lại được chữa bằng ampicillin.

3.3. Chậm chẩn đoán

Sử dụng kháng sinh sớm và không đúng chỉ định có khi gây khó khăn cho chẩn đoán bệnh, ví dụ bệnh nhân bị viêm ruột thừa cấp mà dùng kháng sinh làm lu mờ các triệu chứng của bệnh gây trở ngại cho chẩn đoán bệnh, làm sai lạc chẩn đoán.

3.4. Tác dụng độc hại

Sử dụng kháng sinh khi không cần thiết hoặc không đúng chỉ định có khi dễ bị gây phản ứng dị ứng, mẫn cảm, có khi bị phản ứng phản vệ nguy hiểm có thể chết người. Nhiều loại kháng sinh có tác dụng phụ nguy hiểm nếu sử dụng liều cao hoặc kéo dài, ví dụ sử dụng Chloramphenicol ở trẻ em… có khả năng gây suy tuỷ. Một số kháng sinh như Streptomycine, Kanamycin dùng liều cao, hoặc kéo dài có thể gây điếc và suy thận….

3.5. Tăng khả năng kháng thuốc của vi khuẩn

Vi khuẩn nhờn thuốc

Lạm dụng kháng sinh dễ làm cho vi khuẩn nhờn thuốc, do đó làm giảm tác dụng chữa bệnh của thuốc, là hậu quả tai hại, rộng lớn và lâu dài cho toàn xã hội.. Sự kháng thuốc kháng sinh ở vi khuẩn xảy ra chủ yếu do sự hình thành những gen kháng thuốc ở nhiễm sắc thể hoặc tiếp nhận một plasmid kháng thuốc từ vi khuẩn khác truyền cho hoặc vi khuẩn ở một vài trạng thái sinh lý đặc biệt như vi khuẩn ở trạng thái ngủ nghĩa là không nhân lên có thể không chịu tác động của thuốc như vi khuẩn lao.

Hình thức mất vách của một số tế bào vi khuẩn (dạng L) sẽ không bị ảnh hưởng bởi các thuốc ức chế tạo thành vách như penicillin sau thời gian dùng thuốc các vi khuẩn này có thể lấy lại cấu trúc nguyên vẹn…Trong đó cơ chế vi khuẩn kháng thuốc do đột biến nhiễm sắc thể là cơ chế quan trọng làm phát sinh sự kháng thuốc của một biến chủng vi khuẩn. Một quần thể vi khuẩn có thể chứa những biến chủng đề kháng với một loại kháng sinh. Sự hiện diện của thuốc kháng sinh như thế chỉ chọn lọc cho phép các chủng đề kháng sống sót.

Hậu quả

Vai trò của thuốc kháng sinh là một yếu tố chọn lọc biến chủng kháng thuốc. Một khi có sự hiện diện của biến chủng vi khuẩn kháng thuốc thì biến chủng này có thể truyền tính kháng thuốc này đến những vi khuẩn khác bằng nhiều cơ chế khác nhau: Chuyển thể, chuyển nạp, giao phối và như vậy sẽ lây lan tính kháng thuốc từ vi khuẩn này sang vi khuẩn khác. Do vậy việc lạm dụng thuốc kháng sinh tạo nguy cơ lớn để chọn lọc càng nhiều biến chủng vi khuẩn kháng thuốc.

Thong ke